Cô gái 28 tuổi ở Vũng Tàu tử vong do sốt xuất huyết
Cô gái 28 tuổi tử vong sau 5 ngày sốt xuất huyết, là ca bệnh đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết trong năm 2025 tại tỉnh Vũng Tàu.
Ngày 19/4, Tri thức - ZNews dẫn thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết đã tiếp nhận thông tin từ Trạm Y tế xã Cù Bị về trường hợp bệnh sốt xuất huyết Dengue có diễn tiến nặng, không qua khỏi.
Bệnh nhân là chị N.T.Q.N. (28 tuổi) trú tại thôn Hiệp Cường, xã Cù Bị, huyện Châu Đức. Đây là trường hợp qua đời đầu tiên liên quan đến sốt xuất huyết tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong năm nay.
Theo hồ sơ bệnh án và hệ thống giám sát dịch tễ, chị N. có tiền sử bệnh lý tuyến giáp và thể trạng yếu. Ngày 12/4, chị bắt đầu có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.
Hai ngày sau, chị được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai). Tại đây, người bệnh được xác định dương tính với sốt xuất huyết Dengue kèm dấu hiệu thiếu vitamin C và xuất huyết nhẹ ở vùng mũi.
3 ngày sau, do mệt mỏi kéo dài, chị xin được về nhà mẹ ruột ở ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành. Tuy nhiên, sức khỏe bệnh nhân chuyển biến xấu nhanh chóng. Chị được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và sau đó chuyển tiếp lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong tình trạng nguy kịch.
Tại đây, người bệnh được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng thể xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu, sốc nhiễm trùng và suy đa tạng. Mặc dù được đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực điều trị, tình trạng bệnh không cải thiện. Gia đình xin đưa về nhà và chị qua đời vào cùng ngày.
Ngay sau khi nắm được thông tin, Trung tâm Y tế huyện Châu Đức đã phối hợp với Trạm Y tế xã Cù Bị, Trung tâm Y tế xã Quảng Thành tiến hành điều tra dịch tễ tại các khu vực liên quan. Kết quả cho thấy bệnh nhân thường xuyên di chuyển giữa hai địa phương là thôn Hiệp Cường và ấp Hiệp Thành. Tuy nhiên, tổ chức y tế địa phương không ghi nhận thêm ca sốt xuất huyết nào tại hai vùng này trong vòng 14 ngày trước khi chị N. khởi phát bệnh.
Để phòng ngừa nguy cơ dịch lan rộng, ngành y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch tại hai khu vực trên. Các hoạt động bao gồm: kiểm tra và xử lý lăng quăng, phun hóa chất diện rộng trong phạm vi 200 m quanh nơi bệnh nhân sinh sống; giám sát chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện sốt không rõ nguyên nhân và đẩy mạnh truyền thông để người dân chủ động đến cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ.
Tính đến thời điểm hiện tại, sau 6 ngày kể từ khi chị N. xuất hiện triệu chứng đầu tiên, cơ quan chức năng chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới tại các khu vực liên quan.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đầu năm đến ngày 6/4, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ghi nhận 488 ca sốt xuất huyết, tăng 217 ca so với cùng kỳ năm ngoái và chưa có dấu hiệu giảm, VnExpress thông tin.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh do virus gây ra, lây lan qua muỗi vằn đốt và dễ bùng phát thành dịch. Muỗi vằn đẻ trứng trong nước sạch, trứng nở thành loăng quăng, phát triển thành nhộng và muỗi chỉ trong khoảng 7-10 ngày. Mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển, làm tăng nguy cơ dịch bệnh, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Hầu hết trường hợp sốt xuất huyết đều có các triệu chứng nhẹ và có thể được điều trị tại nhà. Một số trường hợp có thể chuyển biến nặng, dẫn đến tử vong.
Vaccine sốt xuất huyết đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tạo miễn dịch chủ động bằng vaccine là một biện pháp giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và bệnh nặng. Tuy nhiên, biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, phòng ngừa muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, phun xịt thuốc, thắp nhang muỗi, cho trẻ nhỏ mặc tã quần hoặc khăn lau xua muỗi, cần được duy trì thường xuyên ngay cả khi đã chủng ngừa.
Nguồn: https://sohuutritue.net.vn/co-gai-28-tuoi-o-vung-tau-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-d278573.html